Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

School bus, mô hình giao thông hiện đại

1. Ngoại trừ Việt Nam, chưa thấy có nước nào có phụ huynh đứng trước cổng trường đón con đông nghìn nghịt, thậm chí trường cấp 2, cấp 3 vẫn có hiện tượng này. Ở các nước, việc cha mẹ đưa đón chỉ diễn ra ở lớp mầm non, mẫu giáo, năm đầu tiểu học.
Ở Việt Nam, trường học quy mô 1000 học sinh, thì sáng có 1000 chiếc xe máy đến, chiều có 1000 chiếc xe máy đậu chờ trước cổng lúc tan trường. Tiếng còi của bảo vệ, tiếng la hét "chị xê ra, anh không được đậu chỗ đó". Phụ huynh tranh nhau với mấy chị bán bánh mì, nước mía, xe ôm chỗ đậu xe. Lề đường không đủ thì buộc phải đậu dưới lòng đường. Các xe khác đang lưu thông thấy bị chiếm dụng thì bóp còi inh ỏi, các phụ huynh thấy thế thì trườn xe tới, lui xe sau để nhường đường. Học sinh tình nguyện lớp lớn ra đứng giữa đường, cầm cái dây căng để các bạn lớp nhỏ đi ra. Ai nấy đều mệt mỏi.
Rồi đây tỷ lệ xe máy sẽ giảm dần, tỷ lệ xe hơi tăng lên, nếu việc đón con vẫn như cũ, không biết giao thông sẽ ra sao với 1000 chiếc xe hơi xếp trước cổng trường trong 20 năm tới?
Phụ huynh thì căng thẳng, từ 3-4h chiều đã phải xin phép cơ quan đi đón con vì sợ tắc đường, công việc và tâm lý sẽ bị ảnh hưởng.
2. Thế giới họ giải quyết chuyện này ra sao?
Từ tiểu học trở đi, học sinh sẽ phải theo xe buýt của trường gọi là school bus. Xe buýt đưa đón được xem là cơ sở vật chất bắt buộc của một trường học. Có thể đón/đưa tận nhà mỗi bạn, hoặc gom lại 1 điểm nào đó. Ở Indonesia, người dân đi xe máy cũng nhiều nên phụ huynh họp lại, thường chọn uỷ ban nhân dân phường, xã hoặc sân thể thao công cộng làm nơi tập kết, sáng cha mẹ dắt con đến đó, giao bảo vệ rùi đi làm, đi về. Bảo vệ và tài xế ký bàn giao số lượng học sinh cho đúng. Chiều về cũng vậy. Có cổng gác, chỉ đúng cha mẹ mới được ký sổ nhận con về. An ninh hoàn toàn yên tâm vì xe chạy từ bên trong sân điểm đón, vô sân trường mới thả xuống, và đón trong sân trường, thả xuống ở trong khuôn viên điểm trả. Đón trễ thì gửi thêm tiền cho bảo vệ theo quy định sẵn. Hoặc nhà bạn nào đó rộng, có chỗ đậu xe sẽ trở thành nơi đưa đón cho 1 nhóm, cử người đón nhận. Cái này phụ huynh học sinh các trường quốc tế hay tư thục ở VN đều biết, thường họ phải đóng thêm 1 năm ít tiền để sử dụng school bus. Các bạn cấp 1, cấp 2, trên xe luôn có thêm 1 quản lý, bảo mẫu để quản lý.
Các trường cấp 3, ĐH, nếu không có bãi đậu xe lớn thì phải đầu tư school bus. Hoặc bãi đậu xe rất xa, đậu xong phải đi bộ vô trường cả km. Trong sân trường chỉ có vài chỗ đậu xe của giáo viên bị tàn tật, hoặc giáo sư già. Không thấy ĐH nào mà sân trường nghìn nghịt xe máy, sinh viên đi len lỏi giữa các đầu xe. Sân trường là nơi các bạn ngồi chơi, nằm trên bãi cỏ chụp hình này nọ chớ...School yard (sân trường), đâu phải parking lot (bãi đậu xe).
Ngành giáo dục phải tập cho công dân có thói quen đi phương tiện công cộng từ lúc bé, để hình thành trật tự trong giao thông. Cuộc sống văn minh hay không, hạnh phúc hay không, hiệu quả kinh tế hay không là do chúng ta tổ chức và sắp xếp lại.
3. Câu hỏi sẽ đặt ra là: nghe hay nhưng tiền đâu. Thường các ngân hàng sẽ tham gia vô, tiếp thị gói mua xe buýt cho các trường, ví dụ ngân hàng A kết hợp công ty cơ khí ô tô Samco chẳng hạn, chào xe buýt giá 300 triệu cho trường nào đó. Trường sẽ trả góp hàng tháng vài triệu cho đến khi trả hết, thì chủ quyền xe sẽ thuộc về trường. Phụ huynh sẽ phản đối lúc đầu, nhưng kêu họ tính lại, tiền xăng xe đưa đón hàng ngày, quy ra và nộp cho trường. Chưa kể cơ hội việc làm của họ tốt hơn khi thuê người đưa đón. Và sự an toàn cho con trẻ, họ phải bỏ tiền ra 1 phần ra hỗ trợ trường. Cái này phụ huynh phải họp lại và ra phương án. Chỉ cần 1 tài xế và 1 vài bảo vệ, công việc của bao nhiêu người được hanh thông. Việc lái xe của tài xế thì tốt hơn nhiều so với mình chở con bằng xe máy vun vút trên đường rất rất nhiều.
4. Các trường học ở Nhật, xe buýt cho trẻ em thường được thiết kế vui mắt, theo hình các đồ chơi như trong hình. Nước nghèo như Ấn Độ, châu Phi...đều có mô hình xe school bus bắt buộc, các bạn có thể lên google search lấy.
Trên xe đến trường, các bạn học sinh sẽ sinh hoạt tập thể, hát múa, ôn bài. Vừa an toàn vừa văn minh, tập thói quen không say xe cho thế hệ trẻ, sau này chúng nó biển rộng vẫy vùng. Chúng nó là thế hệ ô tô chứ không phải thế hệ xe máy, không ai ở Mỹ ở châu Âu ở Hàn Quốc vừa lái xe vừa ói. Say xe là do từ nhỏ không đi ô tô, xe buýt, bậc cha mẹ nên dẹp bỏ tư duy xe máy với bọn trẻ. Các bạn trẻ cũng tập đi phương tiện công cộng nhiều để hệ thần kinh (tiền đình) nó quen, ổn định, không bao giờ rối loạn hay say xe say sóng về sau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét