Tony bị thoát vị đĩa đệm cột sống. Lên mạng đọc cả trăm tài liệu Tây Tàu, mới biết đây là 1 trong 5 bệnh phổ biến nhất, nhiều người bị nhẹ mà không biết. Người chạy xe máy nhiều sẽ rất dễ bị đau cột sống. Nên các bạn coi mà lo đi xe buýt, mua xe hơi…chỉ đi xe máy khi không có giải pháp nào khác.
Hồi nhận thức còn xuề xòa, Tony ngày nào cũng chạy xe máy cả trăm cây, đổ xăng đầy bình, lái liên tục 4-5h. Đường sá ổ gà ổ voi nhiều, ngồi chỉ 1 động tác khom lưng 2 tay giơ lên trước, nên cột sống bị rung lắc theo chu kỳ “hút nén nổ xả” của động cơ. Cùng các tác nhân hóa chất khác như ăn uống, rượu bia, khói xăng..., cái màng bao quanh đĩa đệm mỏng dần đi. Đến tuổi trung niên, bệnh phát ra, đau dữ dội, đi chụp MRI thì nó lòi ra 8mm (“nó” ở đây là đĩa đệm, hem phải cái kia. Cái kia mà dài có 8mm chắc chết). Tài liệu nói đĩa bị lòi trên 5mm thì khó phục hồi từ tập vật lý trị liệu hay trị đông y, yoga. Bèn thay đồ đi Mỹ khám.
Tony sai gia nhân lên mạng tìm bệnh viện, ban đầu tìm ở New York, rồi Los Angeles, rồi Chicago…vì quen kiểu phải ở thành phố lớn mới có bệnh viện tuyến đầu. Ai dè hệ thống y tế của Mỹ rất khác. Ở các nước, người ta quan niệm nếu bệnh viện tốt nhất, trường học tốt nhất được đặt ở thành phố lớn, thì mãi mãi không giải quyết được bài toán kẹt xe, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội. Xã hội phải PHÂN BỐ NGUỒN LỰC (resource allocation) trong ngành y tế và giáo dục. Ví dụ khu vực Thái Nguyên sẽ có bệnh viện lớn nhất chuyên về não, do ĐH Y Thái Nguyên làm nòng cốt. Máy móc hiện đại nhất, bác sĩ giỏi nhất lĩnh vực này tập trung về đó. Ai muốn mổ chuyên sâu thì mời lên. Tp Thái Bình sẽ có bệnh viện chuyên khoa ung bướu do ĐH Y Thái Bình chủ trì. TP Vinh là cột sống, Tp Huế là tim mạch, Tp Buôn Mê Thuột là dạ dày tiêu hóa, Tp Cần Thơ là da liễu, xương khớp…Lương bác sĩ ở các bệnh viện này phải cao gấp chục lần nếu làm ở Sài Gòn, Hà Nội. Phải có cơ chế trả xứng đáng thì người ta mới về đó làm.
Việc đầu tư bệnh viện chuyên sâu ở trung tâm thành phố lớn là không phù hợp ở quy mô đô thị hiện nay. Đi trị bệnh thì cần gì nằm ở trung tâm quận 1, quận 5, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...Mổ xong cần nằm tịnh dưỡng thì xe cộ ồn ào, chi phí sinh hoạt lại vô cùng đắt đỏ. Tiếng xe cứu thương vang lên giữa các tòa nhà văn phòng hiện đại sang trọng, trung tâm nghe rất ghê. Trung tâm thành phố là để làm ăn, buôn bán, du lịch, đầu tư, dịch vụ, văn hóa...Ở các nước, downtown (khu trung tâm) hầu như không có dân sinh sống, sáng sáng hệ thống giao thông công cộng đưa dân cư ở ngoại vi vô trung tâm làm việc, chiều đưa về. Có bệnh vái tứ phương, thầy thuốc hay trên đỉnh núi Mù Căng Chải thì có bệnh, người ta cũng mò tới. Nhiều bạn bè của Tony bị bệnh ở miền Tây không mổ được, phải chở lên Chợ Rẫy, xe cứu thương chạy 5-6 giờ lên cái kẹt xe ngay cầu Bình Điền, chết ngắc thôi quay về luôn. Ai ung thư ở miền Nam đều phải đến điều trị ở bệnh viện ung bướu Nơ Trang Long, dẫn đến quá tải, 2-3 người nằm 1 giường và nằm ra cả hành lang. Trong khi đó, bệnh viện các tỉnh thì không có trang thiết bị, không có bác sĩ giỏi...nên trống huơ trống hoắc. Thành phố lớn sẽ là nơi đặt các bệnh viện tư nhân, do các tập đoàn đầu tư. Ai có tiền nhiều thì vô. Ít tiền thì phải đi xa trị bệnh, sao người ở tỉnh lên Sài Gòn Hà Nội được mà người Sài Gòn Hà Nội không thể đi tỉnh trị bệnh? Nếu Chợ Rẫy Bạch Mai là bệnh viện hiện đại nhất cho mổ xẻ mọi chuyên ngành chuyên sâu, thì bác sĩ giỏi và người dân sẽ tập trung về Sài Gòn Hà Nội mà sống, dẫn đến quá tải thành phố. Cái này ai học môn “resource allocation” sẽ hiểu, còn không nghe cãi liền.
Thôi kể chuyện mổ cột sống đi Tony, lan man quá hà. Sau khi cân nhắc, Tony chọn mổ ở thành phố Baltimore (bang Maryland). Bệnh viện rất rộng, khuôn viên tươi mát, gần sân bay, đường cao tốc. Tony mang theo 2 đứa đệ tử, 1 XX (học điều dưỡng) để nấu cơm, 1 XY (học y đa khoa) lái xe đưa đón, Tony thuê cái căn hộ gần đó để ở. Trước khi mổ, chu cha nó bắt họp cả chục lần (nó đây là cái bệnh viện Mỹ). Bữa lấy máu, bữa chụp X quang, MRI...rồi ê-kip mổ tiến hành mổ mô phỏng dạng 3D trên máy tính, xong cái kêu mình qua coi, nói vài bữa mổ thật sẽ y chang vầy nè. Nó nói mày chọn đi nhé, một là tiêm thuốc mê, hai là chụp khí vô mặt (nó lấy khí gây mê trộn với ô xy cho mình thở trong suốt lúc mổ). Gây mê tiêm thuốc thì sẽ giảm tuổi thọ, còn gây mê chụp khí thì sẽ giảm trí nhớ. Tony chọn ngay phương pháp chụp khí, vì trí nhớ tốt quá, hem muốn nhớ nhiều nữa. Mà lại muốn sống thọ, ham sống lắm. Tụi nó cười ha hả, nói đau lưng mà dễ thương vầy, hem đau lưng chắc ai cũng yêu hết á. Mình gật đầu cười xác nhận. Dễ thương là bản chất của Tony, không có gì có thể lay chuyển được.
Xong cái cũng tới bữa mổ. Hồi hộp ghê vì lần đầu tiên mà. Nó bắt tắm rửa sạch sẽ xong, vô phòng hybrid vô trùng. Nó bắt bận cái áo màu xanh dài tới chân, che phần trước, hở lưng phía sau, như yếm đào thiếu nữ. Một tay nó truyền dịch, đi tiểu cũng có y tá đi theo (lúc Tony tiểu thì y tá Mỹ quay lưng lại vì ngượng). Sau đó vô phòng mổ, Tony nhìn ngó lung tung quan sát. Cái phòng mổ dài cả mấy chục mét, máy móc chằng chịt trên đầu, lạnh kinh khủng. Tony xin cái mền (chăn) điện đắp lên lưng rùi nằm xuống. Xong cái nó chụp thuốc mê, cái hết biết gì....
Khi tỉnh lại, thì ca mổ đã diễn ra 3h trước đó. Trước mặt mình là 3 cô y tá, thấy Tony mở mắt thì vỗ tay hoan hô, nói “welcome to the earth” (chào mừng đã quay lại trái đất). Một cô bưng cái khay tới cho mình lựa chọn nước uống, nước cam, cà phê. Cổ hỏi giờ mày muốn làm gì, Tony nói tao muốn gặp 2 đệ tử. Cái nó phone liền. Hai đệ tử đang ở siêu thị mua tôm hùm Canada để chút nấu cháo cho Tony ăn, thì nghe thế, sợ hãi quăng tôm hùm chạy vô bệnh viện ngay. Nó báo kết quả tốt đẹp, ở bệnh viện này, tỷ lệ mổ thành công là 97%, 3% là phải mổ lại. Sau đó Tony được cô y tá đưa vô phòng phục hồi nhân phẩm.
Nhân phẩm chỉ qua 1 đêm thì đã phục hồi, hôm sau nó kiểm tra nói OK rồi, đi về đi, ở đây sinh đẻ gì cũng chỉ ở lại 1-2 đêm thôi. Tony hỏi có uống kháng sinh gì không, nó nói “đâu phải thời chiến tranh mà uống kháng sinh”. Nó chỉ cho 1 cái toa thuốc, trong đó chỉ có 1 lọ thuốc giảm đau, ghi rõ là “non-refillable” tức hết rồi là không được mua nữa. Đứa đệ tử ra quầy thuốc mua, nhà thuốc tịch thu lại cái toa. Ở đây, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau có tiền chất ma túy nên họ chỉ bán theo toa, có chữ ký của bác sĩ chịu trách nhiệm. Cuối tháng, nhà thuốc sẽ phải báo cáo cho cơ quan quản lý là bán bao nhiêu lọ kháng sinh, bán cho ai, ai kê đơn, còn lại bao nhiêu. Có như vậy mới không có hiện tượng kháng thuốc, sau này các kháng sinh không trị được nữa, một hiện tượng vô cùng nguy hiểm nếu ai muốn uống thuốc gì thì ra nhà thuốc mua uống.
Cái Tony về nhà nằm, 3 ngày ăn tôm hùm Canada muốn lòi họng. Tôm bên đó rẻ òm, có mười mấy đồng 1 pound. Ăn 3 ngày rồi cái tự nhiên nhớ hồi nhỏ ở Việt Nam, ai đó nói ăn tôm cua sẽ bị lồi thịt. Mà mình hay đi bơi, mặc quần bơi tam giác dạ quang, nếu sẹo lồi trên lưng chắc chết. Kêu đệ tử mở vết mổ ra coi, thấy nó bấm bằng kim như bấm giấy, hem phải khâu, tay của Tây nó vụng về. Bên ngoài là cái cái băng to, không thấm nước, tắm thoải mái, hem sợ nước vô. Thằng đệ tử phải phone qua bệnh viện hỏi vụ thịt lồi, nó nói chưa có tiền lệ, trong y văn xưa nay chưa có ghi. Tới ngày thứ 4, Tony vẫn không nhấc chân lên được. Cái hoảng sợ, hẻm lẽ mình tàn tật ở lứa tuổi 50? Ôi còn đâu thời tung hoành ngang dọc, càng nghĩ Tony càng khóc to. Đang khóc thì bệnh viện gọi điện chăm sóc (ngày nào cũng gọi 1 cuộc), Tony bèn kể sự tình trong nước mắt, I am so scared, I am in a bad mood này nọ... Nó cười ha hả, bảo là ngày thứ 5 mày mới nhấc chân lên được, ngày thứ 7 thì mày có thể đi uống cà phê, hôm trước lúc trình bày kết quả mổ trên máy tính 3D, mày không nghe à. Tony nói xin lỗi, chắc lúc đó tao mới qua nên bị jetlag (lệch múi giờ), ngáp đúng lúc mày nói câu đó. Mà cũng có thể tao bị mất trí nhớ do mày chụp thuốc mê. Cái nó cười ha hả, nói lại dễ thương nữa. Dễ thương miết vại mậy.
Cái ngày hôm sau, nhấc chân lên được, chống gậy đi vòng quanh nhà. Ngày thứ 7 thì chống gậy đi vòng quanh khu căn hộ, nhác thấy quán Starbucks, bèn vô làm ly “coffee of the day”, Tony nghiện món đó. Vừa bước vô quán, hàng dài đang xếp bỗng dưng lùi lại, nhường Tony. Họ nói, ở đây phải ưu tiên người tàn tật. Tony kêu ly cà phê xong mới nhớ là hẻm có mang tiền theo. Bỗng dưng phía sau, 1 bạn trẻ dáng dỏng cao, gương mặt thông minh bước tới, đưa Tony mấy đồng. Nó nói chú nói tiếng Anh con biết ngay là người Việt Nam. Cái mình tới bàn ngồi, nói đợi chút chú nhắn tin cho người nhà mang xuống đưa tiền lại con. Nó ngồi mở sách ra học bài, nói con là sinh viên du học. Trong cặp nó lấp ló một thứ khiến Tony hết hồn, tay chân lắp bắp (còn tiếp).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét