Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Về nỗi cực hình mang tên ngoại ngữ…

Sáng nay một bảo vệ vô Villa De Tony đưa thư, thấy Tony đang tắm chó nên bạn đứng nói chuyện chút. Bạn kể là đã học xong khoa Hóa của một ĐH lớn, nhưng không có bằng. Trường chỉ quy định TOEIC gì đó chỉ có 400-500 trăm, tức mức tối thiểu về trình ngoại ngữ, nhưng bạn học không có. Mấy năm rồi luyện miết thi miết mà không được, quá hạn nên trường đuổi. Với bạn, ngoại ngữ khó như lên trời.

Tony thấy tiếc, giá như có bằng đại học, cuộc đời bạn có thể đã khác. Dù có bảng điểm nhưng không có bằng cấp nên mọi cánh cửa của nhân viên văn phòng, nhân viên phòng thí nghiệm hay quản lý sản xuất đều đóng sập trước mắt bạn. Gia đình cũng kêu bạn về quê, có một vị trí công chức nhỏ, nhưng có bằng đâu mà về, bằng ĐH là điều kiện cần của thi công chức. Giấu thì phải giấu đến cùng nên bạn lấy mọi lý do để kiên quyết ở lại thành phố. Đói quá nên bạn phải xin đi làm công nhân, rồi đi làm bảo vệ. Bạn nói ở đây lương 3.2 triệu/tháng và làm theo ca, nếu làm ca đêm sẽ có phụ cấp, thu nhập sẽ trên 4 triệu. Bạn nói chú có trồng cây gì thêm không, con sẽ vô làm cho, chú cho con thêm vài trăm ngàn/tháng nữa chứ sống vầy chật vật quá.

Tony mới thấy ủa sao một đứa từng học chuyên Hóa của một tỉnh, bây giờ sau 4 năm tính mol axit ba-zờ đã đời, lại đi làm lao động phổ thông ở mức lương tối thiểu. Nó nói, chung quy cũng vì cái bệnh sợ ngoại ngữ. Mà không phải mình con, lớp con cũng mấy đứa bị vậy. Rồi thậm chí có bạn cũng có chứng chỉ vừa đủ để có bằng ĐH, nhưng thất nghiệp vì không xin được việc cả mấy năm nay. Vì ở đâu người ta cũng đòi ngoại ngữ.

Nói mới nhớ, năm lớp 6, lần đầu tiên học ngoại ngữ, Tony có cảm giác không học được. Vì mớ bong bong xì xồ xì xào, lên giọng xuống giọng, rồi chia thì, chia động từ loạn cào cào... Cô giáo vô lớp bắt thuộc lòng mấy bài hội thoại, chỉ nhớ là Mary là cô gái mặc áo đầm, Daisy có cái mũi dài dài. Còn bạn người Việt thì có Ba, Lan, Nam, Mai, nói chuyện gì ở đâu bên Anh bên Pháp. Nên Tony học đối phó, 4 năm cấp 2 là bốn năm vật lộn, sợ hãi khi tới tiết này. Khi thầy hỏi “who ask, who answer”, cả lớp gục mặt xuống hết, đứa nào lén lén nhìn lên là thấy sẽ nói “you, you please”. Sợ chết khiếp.

Năm lớp 10, dịp Tết, cả lớp đi Nha Trang thăm cô giáo, cô dắt cả lớp lên chùa Long Sơn, Tony đang đứng thì có một bà Tây tới hỏi nhà vệ sinh. Tony chỉ xong, sẵn tiện chờ bà ra nói thêm vài câu nữa, nhưng bà hỏi lại hay trả lời lại thì không hiểu gì. Cái về nhà, lúc đó phong trào học ngoại ngữ phát triển mạnh với bằng A,B,C. Học cuốn Streamlines, cuốn 1 xong là có bằng A. Cuốn 2,3 là có bằng B, cuốn 4 là có bằng C. Tony đọc cuốn 1, thấy thú vị quá. Có những mẩu chuyện rất hài hước. Bèn mày mò tự học, từ nào không biết tự phát âm theo ký hiệu trong từ điển. Có lần hỏi cô P, cô giáo dạy Anh văn năm lớp 10 chứ em đọc chữ này đúng không, cổ ngạc nhiên, nói ủa sao em biết mấy cái từ này. Tony mới nói là em học trong Streamlines. Cuốn sách đó là cuốn sách đầu tiên khiến Tony ham thích ngoại ngữ và nền tảng để khám phá thế giới sau này.

Sau này học tiếng Hoa, không có điều kiện do bận quá, Tony mua 3 cuốn sách “những mẩu chuyện vui tiếng Hoa” và đọc 15 phút trong toilet vào buổi sáng. Chỉ 3 tháng, trình độ trở nên phay chảng lỉu li (lưu loát phi thường). Như vậy, cái gì nó hài hước, nó dễ thấm vô hơn, nhất là việc học.

Các bạn nếu thấy ngoại ngữ là một cực hình, tìm thầy cô giáo vui vui mà học. Các bài học cũng vậy, nên chọn bài hài hước để nhớ lâu. Và phải thực tế nữa, ví dụ dịch những câu miêu tả “một ngày của em” như sau: “sáng nay 6h đồng hồ báo thức nhưng dậy không nổi, em ngủ nướng đến 7h. Định tập thể dục nhưng em làm biếng quá nên thôi. Hôm nay em ăn sáng trước rồi mới quánh răng. Sau đó em đi tắm nhưng không gội đầu, sợ hết nước. Sau đó em đi xe máy từ hẻm phóng ra đường, suýt tông bà kia, bả chửi em cái đồ đi ẩu. Em không đi xe buýt vì lười đi bộ. Em đến lớp nhưng không vô mà ngồi ngoài quán cà phê, chờ mấy đứa bạn nữa tới rồi đi chơi game hoặc bi-da. Mẹ cho em 50,000 đồng/ngày em xài hẻm đủ. Tới tối thì em đi học thêm ngoại ngữ, em có muốn học đâu nhưng tại ba em ép. Vào lớp, em tranh thủ coi ai xinh xinh thì tán tỉnh. Tối về nhà, em ăn vội chén cơm rồi lên phòng lập tức online facebook đến 2h sáng…”.

Mình dịch và học thuộc đi. Kể lại cho Tây nghe, nó cười ha hả, thế là thích thú, có động lực để viết 1 tuần của em, một tháng của em, một năm của em, một cuộc đời em…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét