1. Cách đây 3 năm, 2 bạn K,Q, lúc đó đang học khoa Sinh của ĐH Đà Lạt, trong lần giao lưu CLB con dượng ở Đà Lạt có hỏi, "theo dượng, tụi con phải học và làm sao để có mức lương 50 triệu/tháng. Vì chỉ có mức lương đó, tụi con mới có thể để dành mà đi du học, dự định của tụi con là ra trường làm 2 năm sau đó đi châu Âu du học". Lúc đó mọi người đều cười và bĩu môi, nói đi bán hàng đa cấp đi, sao ảo tưởng quá. Vì nhiều người đang mặc định sinh viên ra trường là non kinh nghiệm, là dở, là kém, kiếm được vài ba triệu đồng/tháng là may mắn lắm. Thất nghiệp đầy ra kìa mà còn đòi hỏi.
Lúc đó, admin thấy dượng Tony nói là các bạn hiểu sai câu hỏi này rồi. Đó là 1 câu hỏi thông minh và rõ ràng. Khi giao lưu với các chủ DN, các CEO các tập đoàn, sinh viên Harvard cũng hỏi làm thế nào để được nhận vô phố Wall làm với mức lương 240,000 đô/năm (tức 20,000 đô/tháng), hay làm thế nào để vào được NASA, Boeing. Nhà tuyển dụng nếu biết thì chỉ cho sinh viên, nếu không biết thì thôi. Phải có một trình độ triết học rất sâu mới hiểu câu hỏi này.
Lương chính là giá cả của hàng hóa sức lao động. Mà sức lao động thì là một HÀNG HÓA THAY ĐỔI THEO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI ĐÓ. Nó muốn tốt là tốt, nó muốn xấu là xấu. Hàng chất lượng càng cao thì bán giá càng cao. Lúc đi học, các bạn phải làm cho chất lượng sức lao động của mình cao hơn thông qua việc học.
Học này không phải điếm số hay bằng cấp. Học giỏi theo quan niệm xưa nay của mình, là có điểm số cao, bằng đẹp, học vị tiến sĩ này nọ. Thật ra, nó chỉ là kỹ năng thi cử về KIẾN THỨC.
Học là quá trình NẠP VÔ ĐẦU mình những CÁI GÌ ĐÓ, mà sau này có thể biến CÁI ĐÓ thành THÀNH TỰU. Học bao gồm học kiến thức, trải nghiệm, ngoại ngữ, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, tập luyện thể chất và bản lĩnh...từ trong trường và bên ngoài.
Sau đó thì nghe lời dượng Tony, 2 bạn này đã tham gia mọi cuộc thi hùng biện, khởi nghiệp, nhà doanh nghiệp tương lai. Các bạn học đêm học ngày để có IELTS 7.0 trước khi ra trường. Các bạn cũng tham gia công trình nghiên cứu khoa học tham dự cấp bộ, tham gia các bài báo với giảng viên để công bố quốc tế. Đồng thời rèn luyện thể lực kinh hoàng để vô cùng khỏe mạnh (2 bạn tham dự học võ ở CLB võ thuật tỉnh Lâm Đồng sau buổi nói chuyện hôm đó). Hai bạn cũng tham gia hiến máu, hiến tạng, tình nguyện, công tác xã hội, làm thêm bán thời gian đủ cả.
Khi ra trường, 1 bạn đã được một công ty dược phẩm của Nhật ở Tp HCM đã nhận vào làm với mức lương khởi điểm 50 triệu/tháng, tức khoảng 2300 đô. Một bạn ở lại Đà Lạt làm cho 1 liên doanh trồng hoa xuất khẩu của Đài Loan, mức lương 1800 đô/tháng.
Và bây giờ, tháng 9 vừa rồi, cả 2 bạn đều đã đi Phần Lan du học sau khi tích lũy đủ tiền ăn ở, vì bên đó miễn học phí.
2. Cho nên, nếu các bạn sinh viên hỏi làm thế nào để đạt mức lương 2000 đô, mình biết thì mình chỉ, không thì thôi. Không nên nói "em làm cho anh 15,000 đô đi, anh trả lại cho em 2,000 đô", câu trả lời này sai về bản chất vì người ta hỏi phải HỌC VÀ RÈN LUYỆN thế nào. Mình không biết thì nói "anh không biết em ơi, xưa anh vô làm lương khởi điểm cũng có 4 triệu à, nên em hỏi vậy sao anh biết mà anh chỉ cho em được". Hoặc nói "công ty anh chưa bao giờ trả ai lương khởi điểm cao thế, nên anh không biết tiêu chuẩn thế nào, em có thể hỏi các anh chị từng vô được các tập đoàn lớn để biết". Lương khởi điểm của một số tập đoàn lớn, mức 2000 đô là bình thường, có khi còn quá thấp. Có một tập đoàn sữa nọ còn trả lương khởi điểm cho nhân viên phòng marketing là 5000 đô/tháng. Và vẫn có rất nhiều bạn tốt nghiệp ĐH xong và được nhận vào đây làm.
Lương là giá cả của sức lao động. Nói về giá thì giá nào chẳng có. 5,000 đô, 10,000 đô hay 100,000 đô/tháng vẫn có. Vấn đề là nó có tố chất và thông qua rèn luyện, BIẾT HỌC, HỌC ĐÚNG, thì bán được mức này, vậy thôi.
Mình quen xài đồ bình dân, chỉ biết có hàng bình dân nên không biết là 1 cái túi xách Hermes có khi lên tới 20,000 đô. Nhiều bạn ngạc nhiên mãi là tại sao chỉ là cái túi đựng đồ thôi mà mắc đến như vậy? Không hiểu nên mắng chửi người mua là đồ khùng đồ điên đồ sĩ diện đồ ngu. Cũng chỉ là phòng ngủ khách sạn, sao có người lại bỏ 100 triệu/ngủ 1 đêm? Đám đông mà biết, nó mắng cái đồ hoang phí, đua đòi, không giúp đỡ người nghèo, đại loại vậy. Ngu khùng mà người ta có tiền mua, còn mình hem ngu hem khùng, mình khôn quá trời mà hem có. Sao lạ vậy?
Thế giới hàng cao cấp, xa xỉ nó có cái lý của nó, mà đám đông bình dân chưa hiểu hết được. Ad cũng từng nghĩ, thôi làm chi cho lắm, ngày ăn cũng 3 bữa chứ nhiêu. Nhưng sau lần đi du lịch tới Maldives, tận mắt chứng kiến sự thụ hưởng của các triệu phú, tỷ phú...mình đã có một quan điểm hoàn toàn khác. Thế giới người ta quá khác với thế giới bé nhỏ và chật hẹp của mình. Và cái họ giúp người, giúp đời...cũng lặng lẽ mà mình không biết. Tiền của họ làm ra, cũng lạ lùng sáng tạo và cật lực lắm, chứ không phải tiêu cực như mình nghĩ. Cũng do xưa nay mình ít đi đâu, mình làm ít tiền quá, thế giới của mình chỉ xoay quanh VIỆC ĂN, nên mới kết luận "làm cho lắm cũng ăn ba bữa". Ai làm ra tiền nhiều, mình cảm giác nó không thể, vì người bình thường luôn lấy khả năng của mình để kết luận người khác.
3. Nhìn lên là để phấn đấu, để đạt được giống vậy và thậm chí cao hơn. Nhìn máy bay là ước mơ và ra kế hoạch để bay cao hơn. Không phải lấy cái sào kéo xuống như hái xoài ở quê. Tâm lý hái không được thì chọt cho nó rụng.
Máy bay nó khác, hem phải trái xoài. Mình có chọt miết nó cũng hem có rụng. Có mắng chửi, bực bội thế nào thì chỉ khổ mình thôi. Mình đang đứng chống nạnh chửi dưới gốc xoài thì nó bay mất và đáp xuống một thiên đường nghỉ dưỡng nào đó. Bước ra khỏi máy bay là những người ăn vận với những bộ quần áo vài chục ngàn đô trên người, là những chú chó cưng có tên riêng và có hộ chiếu, những chai nước hoa mà cả làng mình bán hết xoài, vặt luôn cả lá cũng không mua nổi.
4. Bèn bước vô nhà, lầm bầm suy nghĩ. Phải nghĩ khác, làm khác đám đông vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét