Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Sinh viên bây giờ ra răng?

Có lần trên chuyến bay từ Cần Thơ đi Hà Nội, Tony ngồi cạnh 2 cậu sinh viên người Đài Loan tên tiếng Anh là Andy và Mike. Andy học sinh học, còn Mike là sinh viên ngành lịch sử của ĐH Đài Bắc. Hai bạn kể, dù cha mẹ tụi em đều là triệu phú, đều có nhà máy xí nghiệp lớn nhưng tụi em vẫn rất tự lập. Andy kể, văn hóa gia tộc rất nặng nề nên cha mẹ các nước bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thương con mù quáng lắm, cứ đòi “hy sinh đời bố củng cố đời con”, thích bao bọc và áp đặt, không muốn con cái khổ thân theo cách nghĩ của họ. Họ thích chọn trường ĐH cho con cái và bao trọn gói, gọi là "nuôi ăn học". Có tay chân trí tuệ lành lặn mắc mớ gì phải để người khác nuôi? Cuộc sống này là của mình, mình không tự sống được thì còn ý nghĩa gì nữa.
Tiền bạc của cha mẹ làm ra chứ phải của mình đâu, không tự làm ra tiền thì “ngồi ăn núi lở”, con cái của Bill Gates mà không đi làm thì tiền thừa kế vài ba chục năm cũng hết. Mike nói, quan niêm của giới trẻ thế giới bây giờ, với trẻ em dưới 18 tuổi, tuổi còn non, chưa trưởng thành thì phải phụ thuộc, cha mẹ hướng dẫn gì mình nghe nấy. Cha mẹ dắt mình đi trường mầm non nào, trường tiểu học nào, trường trung học nào thì mình phải nghe theo. Nhưng 18 tuổi rồi, thành nhân dân rồi (thông qua cái gọi là chứng minh nhân dân) được quyền bầu cử, được thi giấy phép lái xe, đi làm ở đâu người ta cũng nhận cả rồi thì phải tự kiếm tiền mua thức ăn bỏ vô bụng chứ. 18 tuổi, với các bạn trai thì chim cò đã trưởng thành, với bạn gái có thể kết hôn thành lập gia đình mới, việc gì mình làm ở xã hội cũng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, hà cớ gì phải ngoan ngoãn theo sắp xếp của người khác? Mình là NGƯỜI DUY NHẤT trả lời được câu hỏi “TÔI LÀ AI”, nên mình tự chọn nghề ưa thích để học, để vào đời. Đối với cha mẹ ông bà, tụi em vẫn yêu mến và kính trọng, nhưng họ không có quyền áp đặt mình. Nhiều quan niệm mới của thời đại mới rất khác, như ngày xưa cha mẹ thầy cô có quyền đánh con cái học trò, nhưng bây giờ "Quyền trẻ em” ra đời, người lớn đánh trẻ em là vi phạm pháp luật và chuẩn mức đạo đức. Khổng giáo ngày xưa quan niệm quyền “thương cho roi cho vọt, quyền định đoạt tính mạng “xử tử” mà cãi là “bất trung bất hiếu”. Nho giáo (Confucianism) ra đời mấy ngàn năm trước đã lỗi thời lắm với chuẩn văn minh mới của nhân loại. Thế giới loài người bây giờ tập trung vào lòng bác ái, tính tự lập, theo đuổi hạnh phúc cho mỗi cá nhân và sống chung với nhau một cách yên bình-Mike chia sẻ.
Andy làm ở cửa hàng bánh Pizza, nướng bánh giao hàng dọn dẹp bàn ghế hàng ngày sau giờ học. Mike thì làm ở trường phụ trách lau rửa dụng cụ thí nghiệm, dọn dẹp căn tin, nhà bếp, nhà vệ sinh. Hai cậu đều có những bài báo khoa học quốc tế và có website riêng về các đề tài nghiên cứu của mình. Trong túi xách hai bạn lúc nào cũng có sách văn học để đọc lúc chờ máy bay xe buýt. Một cậu nói đối với một sinh viên, chỉ có 4 chỗ thường xuyên lui tới là Giảng Đường, Thư Viện, Chỗ Làm Thêm và Trung Tâm thể dục thể thao. Nghỉ lễ là đi ngao du sơn thuỷ. Hai cậu mở Ipad cho Tony coi hình đi chơi khắp nơi trên thế giới. Thấy chèo thuyền vượt thác, thấy trời nắng chang chang vẫn quần short áo thun với chai nước suối trên tay, đầu trần, dáng vẻ cao ráo, da dẻ đỏ au, lang thang ở các bảo tàng, thấy trời tuyết vẫn chạy bộ thể dục, trông thật khỏe khoắn.
Hai bạn đến Việt Nam là vì có đường bay mới mở của Vietjet nối tp HCM và Đài Bắc (Taipei), có giá rẻ. Ngân sách 2 bạn đi Việt Nam trong 10 ngày là 500 USD. Họ đi Cần Thơ bay ra Hà Nội, rồi từ Hải Phòng bay về tp HCM để có mức giá rẻ nhất.
Thấy mới có 21 tuổi mà nhận thức chững chạc trưởng thành, rồi lên kế hoạch chi tiết và thông minh quá nên Tony buộc miệng khen. Hai cậu cười ha hả, nói làm gì chả phải lên kế hoạch to-do list như thế này. Còn nói nếu ra trường, hai bạn sẽ được nhận làm với mức lương khoảng 1500-2000 USD khởi điểm, chính thức sau đó 2 năm sẽ khoảng 2500-3000 USD, mặt bằng chung của cử nhân hay kỹ sư đúng nghĩa. Đại học cơ mà, là trí thức, là tinh hoa của xã hội. Đại học là phải dùng từ cái cổ trở lên để kiếm tiền, nhường việc lao động giản đơn cho người kém may mắn không có cơ hội học ĐH, hay các bạn sinh viên-Andy nói.
Hai cậu kể, sinh viên ở Đài Loan như cậu, trăm đứa như một, năm nào cũng phải sắp xếp đi 2 nước du lịch bằng tiền làm thêm. Khi chưa tốt nghiệp ĐH, phải thức khuya dậy sớm lao ra đường đổ mồ hôi kiếm tiền để trải nghiệm, phải kiếm tiền bằng tay chân, phải tự lập. Lúc đến nước sở tại thì tính toán sao cho chi phí thấp nhất có thể. Ăn quán bình dân, ở hostel hay túi ngủ. Sau này đi làm chính thức thì ăn ở sang trọng hơn. Thế giới có hơn 200 quốc gia, mà đời người chỉ có max 100 năm, nên phải tranh thủ. Mike kết luận, anh không biết đấy thôi chứ sinh viên ở nước nào bây giờ cũng giỏi giang năng động như vậy hết.
Các bạn xem kế hoạch của họ nhé. Từng dòng từng chữ, dấu chấm, phẩy, 2 chấm, viết hoa...chuẩn như thế nào. Hai bạn nói khi nói thì dùng tiếng bản ngữ, nhưng khi viết thành kế hoạch (plan) hay lịch trình (schedule), phải dùng tiếng Anh để chuẩn quốc tế. Kể cả status trên facebook cũng tiếng Anh luôn, bạn bè đọc không hiểu thì khỏi chơi, không cùng ngôn ngữ sao chơi được. Công dân toàn cầu rồi phải đăng chuyện toàn cầu chứ sao có chuyện 1 địa phương nói miết vậy- Mike và Andy nói.
Thấy thế, tới Nội Bài, Tony chen lấn hành khách để ra trước, vừa ra khỏi máy bay lập tức mở điện thoại, vô FB unfriend hết mấy cu Tèo cái Mận, toàn bóp miệng chụp tự sướng ở quán cà phê, coi hoài mệt quá…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét