Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Tích & phân

Rất nhiều nước như Nhật, Hàn Sing, Phi, Thái, Mã, Âu, Mỹ...đều đã giảng dạy Kinh tế học cơ bản cho học sinh phổ thông. Từ lớp 5 đã có môn “em học kinh tế” với các ví dụ đơn giản về việc bỏ ống heo (lợn đất), mua sắm đồ dùng trong nhà, chi phí ăn uống tiền điện tiền nước...Lên cấp 2, cấp 3, những khái niệm trừu tượng hơn như lạm phát, cung cầu..sẽ được thảo luận, học sinh phải nắm được 51 khái niệm kinh tế học căn bản trước khi tốt nghiệp tú tài. Nên lớp 12 xong, có thể đi làm ở các công ty, cũng có thể tự mở 1 quán ăn nhỏ kinh doanh mà không phải vật lộn với quản lý, nắm vững được các nghiệp vụ kế toán đơn giản, giải được bài toán doanh thu, chi phí và lợi nhuận, biết làm marketing và thuê mướn lao động. Có thể tham gia chơi chứng khoán, đầu tư, và đọc báo hiểu hết mọi khái niệm từ GDP đến thắt chặt tiền tệ, kích cầu...
Ở Việt Nam, Tony nghĩ cũng nên dạy môn kinh tế ứng dụng từ năm lớp 9. Giáo viên là các bạn tốt nghiệp đại học kinh tế, học thêm nghiệp vụ sư phạm là dạy vô tư. Có rất nhiều bạn trẻ học xong lớp 9 mà không có điều kiện học lên, nhất là ở nông thôn, và hàng năm có hơn 1 triệu thí sinh đại học cao đẳng, nhưng chỉ có 5 trăm ngàn chỉ tiêu trong giảng đường. Do đó việc cung cấp kiến thức kinh tế học ứng dụng sẽ giúp xã hội có thể có nhiều công ăn việc làm hơn, các bạn có thể tự mình mở ra các cơ sở sản xuất kinh doanh nếu chọn con đường lập thân không phải là đại học.
Theo quan điểm của Tony, sách giáo khoa của mình phải cắt giảm nội dung tất cả các môn, chỉ giữ lại 1/2 thôi, khỏi đổi mới chi cho tốn tiền, các kiến thức trong SGK của mỉnh rất rất hay, nhưng quá sức nặng đối với những bộ não 16-17 tuổi ở giai đoạn chưa phát triển hoàn chỉnh. Người có trí nhớ xuất sắc và logic như Tony mà đến giờ vẫn ám ảnh áp lực bài vở và thi cử, vẫn nằm mơ ngày mai đi thi mà không có chữ nào trong đầu, giật mình thức giấc miết vì sợ.
Tony hiểu vì sao các bác giáo sư tiến sĩ soạn sách đã phải soạn nhiều như vậy. Rất là tâm huyết và đáng trân trọng. Vì ngày xưa, kiến thức rất khó tìm. Chỉ nằm trong thư viện các trường đại học lớn và người ta phải nhớ mọi thứ. Muốn học bậc đại học, phải lên Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ...Học sinh nông thôn phải cộng điểm vì ít cơ hội tiếp cận kiến thức. Nhưng, bây giờ kiến thức nằm hết trên mạng, trong file máy tính, truy cập phát ra ngay. Ngồi ở Lào Cai vẫn truy cập được giáo trình lẫn các bài giảng từ các giáo sư Harvard qua youtube. Hầu như nước nào cũng đã phải thay đổi chương trình học phổ thông sau khi internet ra đời. Họ chú trọng phương pháp hơn kiến thức. Học sinh chỉ cần nhớ những gì hết sức quan trọng, và PHƯƠNG PHÁP tìm kiếm tài liệu. Vì chữ nghĩa rồi cũng sẽ rụng rơi theo thời gian, kiến thức mới lại bổ sung liên tục, thuyết tiến hoá của Đác Uyn có khi sẽ bị Đác Tèo nào đó chứng minh là sai, hạt nhỏ nhất sẽ là một hạt gì đó nữa trong vũ trụ mà loài người chưa biết,...Đại loại kiến thức sẽ được bổ sung hoặc thay đổi, nên học sinh có phương pháp tìm kiếm thông tin sẽ giúp ích cho các bạn sau này. Làm ngành nghề gì cũng cập nhật được cái mới.
Nên cắt giảm chương trình để các bạn có thời gian đầu tư cho ngoại ngữ, nhất là kỹ năng đọc vì nhiều tri thức nhân loại trên mạng bằng tiếng Anh, chỉ nên bổ sung 2 môn Kinh tế học và môn Đức dục. Còn thời gian cho tụi nó chơi thể thao thể dục cho khỏe mạnh tráng kiện, chứ học chữ chi từ mờ mờ sáng đến 11h đêm mới xong, thời gian đâu để cho nó lớn. Con gái cũng phải cho nó thời gian sửa soạn tí. Con trai cũng phải tập luyện tí cho cơ có bắp. Chứ đứa nào tay chân cũng teo tóp, mắt lồi ra với cặp kính cận vì luyện thi đại học, thấy tội quá. Cháu gái của Tony, 12 năm học sinh xuất sắc (cả trường nó chỉ có 1 đứa học sinh tiên tiến), tính số mol, cos sin, lim log, ô mê ga tê cộng phi thành thạo, thi đại học những 25-26 điểm. Năm 1 vừa vô Sài Gòn thuê nhà trọ, bị bà chủ nhà lừa ngay 500 ngàn tiền đặt cọc, do không ghi biên nhận. Rồi có lần cầm 1 triệu đi đóng tiền học ngoại ngữ, ghé mua ổ bánh mì móc ra chi trả sao đó mà lên trung tâm chỉ còn có 800 ngàn, đứng khóc vang dội…
Lần nào nhìn thấy nó khóc cũng thấy thương. Nước mắt nhòe cả cặp mắt kính cận 5 đi-ốp, lăn dài trên gương mặt toàn mụn bọc xếp thành những vòng tròn nội tiếp. Mặt mũi hốc hác, chỉ còn thấy mỗi cái “nguyên hàm” vì suốt ngày cặm cụi, toán thì “tích phân”, văn thì “phân tích” đến 1-2h khuya.
Chị Tony nói nó phải học để làm vui lòng chị và bà con chòm xóm. Tony nói ủa sao một đứa trẻ phải học cho chòm xóm và gia đình? Học là cho nó chứ, chị gạt phắt đi, em không thấy trạng nguyên học là để đem vinh quy bái tổ về cho làng à? Cả làng theo dõi, nó mà rớt là chị sẽ bị nhục nhã. Còn nói chị đẻ nó ra, chị nuôi nó ăn học, cho nó học gì ở đâu là quyền của chị. Nó mọi giá phải vào ĐH ngành tài chính ngân hàng ở Sài Gòn, ra trường làm văn phòng máy lạnh cho sướng tấm thân. Nó mà rớt năm nay thì chị sẽ nuôi nó ôn thi, 10 năm cũng phải thi, phải đậu.
Nó học trong sợ hãi. Áp lực thì gia đình và cái chòm cái xóm gì đó khiến nó thi thoảng ngủ vẫn hét lên.
Tony rủ nó tốt nghiệp xong, nếu không ngân hàng nào nhận vô làm thì đi bán phân với cậu, tích tiền đặng đi Hàn Quốc hút mụn.
Tony cũng đang nhờ nó phân tích làm thế nào để tích phân, đầu cơ phân bón cho vụ đông xuân tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét