Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Ánh mắt học trò...

"Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông, giật mình bật khóc
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học
Cổ Ngư xưa, lặng lẽ dấu chân buồn"...

Đó là những câu thơ nguyên tác nhưng ít người biết của bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa". Có một chi tiết trong bài thơ trên khiến Tony day dứt mãi, chính là hình ảnh "giật mình bật khóc" trong cái rét đầu đông. Từng sống ở Hàn Quốc hay Boston với cái lạnh âm cả chục độ, nhưng thật sự cái rét phương Bắc nước Việt mới là thử thách. Và lúc sống ở Hà Nội, thời đó nhà Tony chưa có máy điều hoà, có những đêm mùa đông giật mình và không sao ngủ lại được, vì cái rét cắt da ấy.

Nhưng cái rét ở Hà Nội thì chẳng là gì nếu so với cái rét ở các vùng núi phía Bắc. Những cơn gió mang cái lạnh thấu xương đến những ngôi nhà cheo leo trên núi. Và Tony tận mắt chứng kiến những buổi sáng ở những ngôi trường cấp một nơi bản xa, những thầy giáo, cô giáo đứng giảng bài, mặt tím tái vì lạnh. Dưới kia, hàng chục học sinh nhỏ xíu, đi chân đất, áo không đủ ấm, da mặt cháy đỏ, tay run rẩy cầm bút. Duy chỉ có ánh mắt ham học vẫn bừng sáng cả núi rừng. Và Tony hiểu, để giữ chân những người thầy, người cô vĩ đại này ở lại với các thôn bản xa xôi này, chính là những ánh mắt học trò tha thiết ấy.

Tony nhớ hồi cấp 2, lúc còn học ở trường Lương Thế Vinh, trong một đêm văn nghệ, cô Phương dạy tiếng Anh hát bài gì không rõ tựa, chỉ nhớ câu " ánh mắt học trò, là áo ấm mùa đông". Trời thì lạnh, ánh lửa trại bập bùng, giọng cô tha thiết. Tony lúc đó học lớp 6, 7 gì đó, nhỏ thó ngồi nhìn lên sân khấu, và nghĩ đến những thôn bản xa xôi, đến những người bạn đồng lứa với mình.

Và một mùa đông lại về. Những thầy cô nơi biên cương vẫn chống chọi với cái rét bằng ánh mắt học trò. Những đứa trẻ nơi rẻo cao lại nửa đêm "giật mình bật khóc"...

Đều là người Việt mình...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét