Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Chuyện quả bưởi

Chuyện quả bưởi 

Xã hội Nhật Bản quản lý theo hướng đức trị, tức trên cơ sở động viên và khen ngợi. Hồi Tony còn làm công ty Nhật, đi công tác tỉnh, cứ tối về khách sạn là thấy thằng Sasaki, dù say mèm vẫn ngồi viết báo cáo. Nó nói, trung thực là yếu tố đầu tiên của lòng tự trọng, của người đẳng cấp văn minh. Sếp nó sẽ khen nếu nó gửi ngay báo cáo trong tối hôm đó. Trí óc dùng để tạo của cải cho xã hội thay vì dùng để nhớ là đã nói dối những gì.

Với tinh thần “making a moral society”, tạm dịch là tạo ra 1 xã hội đạo đức, môn đức dục, tức giáo dục đạo đức ở Nhật được chú trọng đặc biệt. Nếu như ở nhiều nước, hạc sinh chăm chăm vào tính đạo hàm tới nguyên hàm lui để kiếm được bằng cấp ngon, để làm được tiền nhiều, thì người Nhật giáo dục công dân của họ bằng các bài đạo đức. Đó là cách đơn giản nhất để thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn. Việc học thuộc và thảo luận, phân tích suốt ngày các ví dụ về lòng nhân ái, lòng trắc ẩn, tính kỷ luật, tính tự trọng, lòng tự hào dân tộc, sự tự tin, sự bao dung và tha thứ, sự rộng lượng và quân tử, sự khảng khái và tính trách nhiệm, tinh thần thượng võ Samurai….giúp công dân Nhật, dù là 1 người bỏ hạc từ bé hay tiến sĩ, đều đàng hoàng. Mọi kỳ thi từ lớp 1 đến lớp 12, đại học, kể cả thi bằng lái xe, đều phải thi môn Đức Dục. Cho nên người Nhật, dù nóng tính và bảo thủ, phần lớn là những người tử tế. Sản phẩm của họ làm ra là danh dự của cả 1 dân tộc với thương hiệu Made in Japan.

Anh Zhu, anh bạn người Trung Quốc của Tony, có lần đi Nhật chơi. Đang đứng trong cửa hàng điện máy, thì một cậu thanh niên người đại lục trờ tới, nói nỉ xị huan shen me (thích cái gì ở đây), anh Zhu chỉ cái camera. Rồi cậu bảo thôi ra trước đứng chờ, trong đây giá khoảng 500 USD thì tao lấy mày 300 USD thôi. Cái đâu 15 phút sau, cậu ấy lấy bỏ vào giỏ, ra giao hàng và thu tiền. Cậu ấy lại tất tả đi sang cửa hàng bên cạnh, gia nhập vào đội quân 2 ngón đủ quốc tịch bên đó. Cứ đoàn khách nước nào tới thì sẽ có “hai ngón viên” ra tiếp chuyện bằng bản ngữ nước đó cho khỏe. Cả cái cửa hàng to đùng vậy chứ chỉ có 1-2 cô thu ngân người Nhật, cứ mắt xoe tròn à nồ, à nồ. Cứ à nồ miết nên 10 cái ra khỏi cửa hàng thì chỉ thu tiền chỉ có 5 cái.

Thống kê cho thấy, ở Nhật, hầu hết trộm cắp là do người nước ngoài làm. Người Nhật cũng có, chủ yếu là người già, cô đơn quá nên đi ăn cắp, để cảnh sát bắt và có người nói chuyện…cho vui. Thành phần ăn cắp thì không biết đâu mà nói, kể cả xuất khẩu lao động, du hạc sinh. Họ để các biển báo bằng nhiều thứ tiếng, đại loại như ăn cắp xấu lắm bạn ơi, ăn cắp sẽ bị phạt đấy, nhưng với 1 số người dây thần kinh xấu hổ đã trơ gan cùng tuế nguyệt thì việc nhắc nhở vậy có ý nghĩa gì. Họ ăn cắp xong, giật lại còn không được nữa là.

Một con sâu cũng làm rầu nồi canh. Con người vốn cảm tính, quýt làm nhưng cam lại chịu. Hải quan Singapore có lần bắt cứ phụ nữ Trung Quốc, đi hàng không giá rẻ sang Sin là phải xòe 1000 USD ra, đưa lên mặt chụp hình lưu vào file, mới được cho nhập cảnh, vì vài ba cô sang đấy làm buôn hương bán phấn dưới dạng du lịch. Cho nên, mình đi ra ngoài, cầm hộ chiếu trên tay, mình không còn là mình nữa mà là đại diện cho cả 1 quốc gia, 1 dân tộc. Người Philippines cách đây 2 chục năm cũng vậy, đi ra ngoài cũng quậy tưng. Nên sau đó họ thay đổi cách làm. Mỗi lần cấp hộ chiếu ( passport) cho công dân của họ, họ bắt lên Sở Ngoại Vụ hạc đạo đức 1 ngày. Bắt buộc phải nắm được các hành vi văn minh ở nước ngoài như xếp hàng, nói nhỏ, không khạc nhổ, aphải nhường nhịn người già trẻ em phụ nữ, không xả rác, không tò mò chuyện gì cũng bu lại coi. Phải có tính cộng đồng và bảo vệ nhau. Phải trả bài lưu loát về các hành vi gây nhục quốc thể và ảnh hưởng thanh danh quốc gia. Hạc xong, nắm vững rồi, trả bài lưu loát rồi họ mới cấp cho. Cho nên người Phi, dù bây giờ xuất khẩu lao động cả mấy triệu người khắp thế giới, vẫn không bị điều tiếng gì. Ngay cả cấp bằng lái xe 2 bánh vậy, họ bắt hạc 1 ngày về các hành vi văn minh đi xe máy. Ai không trả bài được, không nắm được các quy ước xã hội này, thì đừng có ra đường.

Trở lại chuyện của anh Zhu. Sau chuyến đi Nhật, Zhu đem đủ thứ hàng, quần áo, mỹ phẩm, đồ chơi, máy ảnh máy tính về nước, mua cho gia đình, bạn bè, cho con cái. Ở Trung Quốc, Zhu và bạn bè của mình không cho rằng việc tiêu thụ hàng ăn cắp là sai, miễn rẻ là được. Các phi công và tiếp viên một số hãng hàng không cũng là nguồn xách tay hiệu quả mọi sản phẩm từ Nhật về nước họ, thay vì lái máy bay và phục vụ hành khách, họ trở thành các thương gia chuyên nghiệp. Nên gương mặt lúc nào cũng cau có khó chịu, tới giờ phục vụ trà hay cà phê là giả bộ nói “chúng ta đang bay vào khu vực thời tiết xấu, dui bu qi” rồi trốn vào buồng ngồi đếm tiền cộng trừ nhân chia lời lãi…

À, nói chuyện Tàu chuyện Nhật mới nhớ chuyện trong xóm. Khuya hôm qua, 2 vợ chồng nhà cái Tuyết (sát vách nhà Tony) thức dậy cãi lộn ầm ĩ. Cái Tuyết làm lao công cho công ty nọ, bữa nào cũng “tranh thủ” 1 chai nước rửa bồn cầu giấu trong giỏ đem về, để dành đủ trăm chai thì ra chợ Kim Biên bán. Hôm qua quên đóng cửa sổ thế nào, bị trộm vô cuỗm mất. Chồng đổ thừa vợ quên đóng cửa, vợ cãi lại nói nhiệm vụ đóng cửa là của chồng. Làm Tony mất ngủ.

Sáng nay, Tony vừa dắt xe ra, thấy đầu hẻm đã là “1 ngõ vắng xôn xao”. Hóa ra 1 cậu ăn trộm ấy là thằng Tèo con bà Tư cá viên chiên. Tèo chở nước rửa bồn cầu đi bán, quýnh quáng thế nào lại ngã, hàng họ văng ra tung tóe. Cả xóm bu lại, mỗi người lấy 1 chai, cười tươi như hoa. Thằng Tèo ra sức vẫy vùng, dang tay dang chân ra, quơ quào cố níu kéo giữ lấy, nước mắt lưng tròng. Tony cũng hòa lẫn ngay vào đám đông, hôi ngay 1 chai giấu vào nách, cũng mang về nhà mà kỳ cọ toilet. Nên ở cái xóm này, nghèo thì nghèo nhưng bồn cầu nhà ai cũng sáng loáng.

Cái Tuyết cũng tranh thủ chạy ra và lấy lại được 1 chai. Trong lúc “tang gia bối rối”, cái Tuyết còn móc được mấy chục ngàn trong túi quần thằng Tèo và tiện thể bóp chym thằng Tèo 1 cái.

Haha thằng Tèo. Mày hả bưởi?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét